Chủ Nhật, 8 tháng 3, 2020

Viện Y học phóng xạ và u bướu Quân đội với nhiệm vụ ứng phó y tế trong các sự cố phóng xạ - hạt nhân

Bài viết của: Đại tá Bác sĩ CK2 Nguyễn Trung Sơn - Giám đốc Viện Y học phóng xạ và U bướu Quân đội; Đại tá Bác sĩ CK2 Nguyễn Văn Mùi - Phó Giám đốc Viện; Đại tá Bác sĩ CK2 Hồ Văn Cư đăng trên tạp chí Y học quân sự.
Những năm qua, việc sử dụng các nguồn phóng xạ phục vụ nhu cầu nghiên cứu, phát triển chuyên ngành và trong công tác y tế được quan tâm đẩy mạnh. Đặc biệt, dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở nước ta tại Ninh Thuận đã bước đầu được khởi động. Việc sử dụng đa dạng các nguồn phóng xạ mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho đời sống. Tuy nhiên, một số yếu tố bất lợi khách quan (động đất, sóng thần...) hoặc chủ quan (sự bất cẩn của người sử dụng, âm mưu phá hoại...) có thể sẽ dẫn tới các sự cố, tai nạn phóng xạ hoặc hạt nhân, gây nên những tổn thất về kinh tế, an ninh chính trị và sức khỏe cộng đồng. Bởi vậy, công tác sẵn sàng ứng phó khẩn cấp với các sự cố, tai nạn phóng xạ - hạt nhân, nhất là ứng phó về y tế có vị trí đặc biệt quan trọng.

Kiểm tra bằng máy đo Ludlum

Thiết thực đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ ứng phó khẩn cấp với các vụ tai nạn phóng xạ - hạt nhân, cùng với những đơn vị phòng chống các tác nhân NBCR của quân đội, năm 1996, Trung tâm Y học hạt nhân và bảo vệ phóng xạ (nay là Viện Y học phóng xạ và U bướu Quân đội) ra đời với nhiệm vụ chủ yếu là nghiên cứu, ứng dụng các biện pháp bảo vệ phóng xạ và tổ chức cứu chữa những nạn nhân tổn thương do phóng xạ. Ngoài sự đầu tư của Bộ Quốc phòng, Viện Y học phóng xạ và U bướu Quân đội đã nhận được sự trợ giúp của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (VINATOM), Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (VARANS) và nhiều đơn vị chuyên ngành khác. Đến nay, Viện đã có đội ngũ cán bộ, bác sĩ, kỹ sư y sinh phóng xạ có nhiều kinh nghiệm thực tế, có kiến thức chuyên ngành đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chuyên môn. Ngoài các hoạt động nghiên cứu và ứng dụng điều trị chuyên ngành, thời gian qua, Viện Y học phóng xạ và U bướu Quân đội luôn quan tâm tới công tác huấn luyện, đặc biệt với công tác huấn luyện sâu về tổ chức và kỹ năng điều trị các loại tổn thương do phóng xạ, tẩy xạ (với nạn nhân nhiễm xạ ngoài), thải xạ (với nạn nhân nhiễm xạ trong...). Tình huống xảy ra tai nạn phóng xạ ở một khu vực nhất định, dưới sự chỉ đạo của Cục quân y/Bộ Quốc pḥòng, Viện có đủ khả năng triển khai triển khai các hoạt động ưu tiên tiếp nhận, điều trị các nạn nhân phóng xạ.

Tẩy xạ bệnh nhân tại lều tẩy xạ

Đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, năm 2012, Trung tâm Y tế ứng phó sự cố bức xạ - hạt nhân và điều trị nạn nhân chất độc da cam thuộc Viện Y học phóng xạ và U bướu Quân đội được thành lập. Đây là đơn vị nằm trong hệ thống ứng phó khẩn cấp bức xạ hạt nhân quốc gia. Để chuẩn bị lực lượng và nâng cao năng lực hoạt động của đội chuyên trách hỗ trợ y tế trong tình huống khẩn cấp về phóng xạ (Radiaton Emergency Medical Assistance Team), tháng 11/2013, dưới sự chỉ đạo của Cục Quân y, Viện Y học phóng xạ và U bướu Quân đội đã tổ chức thành công diễn tập Đội cấp cứu nhiễm xạ "NX-13". Đây cũng là lần đầu tiên trên phạm vi cả nước, hình thức tổ chức và hoạt động của đội chuyên trách hỗ trợ y tế trong tình huống khẩn cấp về phóng xạ được nghiên cứu diễn tập.
1. KHÁI QUÁT VỀ CÔNG TÁC ỨNG PHÓ Y TẾ TRONG CÁC SỰ CỐ PHÓNG XẠ - HẠT NHÂN:
Chất phóng xạ có thể tồn tại ở nhiều dạng khác nhau, khi xảy ra tai nạn lại thường không còn ở trạng thái được bảo vệ, che chắn tốt, nên dễ trở thành nguồn chiếu tia phóng xạ, rất nguy hiểm trong một phạm vị nhất định. Nạn nhân trong sự cố phóng xạ có thể mắc các tổn thương thông thường (chấn thương, vết thương, bỏng, rối loạn tâm lý...), tổn thương phóng xạ đơn thuần (bị chiếu xạ cục bộ, chiếu xạ toàn thân với các mức độ liều khác nhau), bị nhiễm cạ ngoài (nhiễm chất phóng xạ lên thân thể hoặc vết thương), nhiễm xạ trong (chất phóng xạ xâm nhập vào cơ thể qua da, niêm mạc, qua vết thương, qua đường hô hấp, tiêu hóa...), hoặc tổn thương phóng xạ kết hợp. Ngoài tổn thương do phóng xạ, tình trạng rối loạn tâm lý ở các nạn nhân thường nghiêm trọng và kéo dài hơn so với các tai nạn khác. Họ lo lắng vì nguy cơ đối mặt với các bệnh lý ung thư, các khuyết tật di truyền... có thể gặp ở tương lai. Rối loạn tâm lý không chỉ xảy ra ở những nạn nhân thực sự, mà còn có thể gặp ở những đồng nghiệp, ở người thân nạn nhân và cư dân sống quanh khu vực xảy ra tai nạn do thiếu kiến thức hoặc hiểu nhầm về phóng xạ. Rối loạn tâm lý thường là lý do chủ yếu gây nên những lộn xộn ở hiện trường xảy ra tai nạn hoặc ở công sở nơi có liên quan để vụ việc xảy ra.

Đội tiền trạm tiếp cận bệnh nhân

Tổn thương do phóng xạ bao gồm các tổn thương cấp tính (tổn thương sớm) và tổn thương mạn tính (tổn thương muộn). Tổn thương cấp tính thường được đề cập là bỏng phóng xạ (khi bị chiếu xạ cục bộ liều cao) và hội chứng phóng xạ cấp tính (khi bị chiếu xạ  60% diện tích cơ thể, với liều trên 1 Gy). Hội chứng phóng xạ cấp tính là sự suy sụp của nhiều cơ quan trong cơ thể, do ảnh hưởng của bức xạ ion hóa (điển hình là hệ thống tạo máu), dẫn đến xuất huyết, nhiễm trùng và cộng hưởng làm tăng thêm mức độ suy sụp nghiêm trọng của nhiều cơ quan khác. Các triệu chứng của tổn thương phóng xạ cấp tính có thể xuất hiện sau khi bị tiếp xúc với bức xạ ion hóa trong khoảng vài phút, hàng giờ hoặc hàng tuần, tùy thuộc vào liều chiếu và sự nhạy cảm đối với bức xạ ion hóa của từng cá thể. Hội chứng phóng xạ cấp tính thường có diễn biến và quá trình điều trị phức tạp, nhiều trường hợp tử vong. Bỏng phóng xạ có đặc điểm là vết bỏng sâu, hoại tử và chậm hồi phục, khó liền vết thương, thường phải tiến hành ghép tổ chức (cơ, da), thời gian điều trị kéo dài, gây nhiều tốn kém. Nếu nạn nhân bị tổn thương phóng xạ kết hợp thì diễn biến nặng và điều trị phức tạp hơn tổn thương đơn thuần. Tổn thương mạn tính thường được đề cập là ung thư và biến đổi di truyền, song thường xảy ra sau nhiều năm kể từ khi bị phơi nhiễm với phóng xạ.
Với những đặc điểm tổn thương này, công tác ứng phó y tế đối với các vụ tai nạn phóng xạ về cơ bản được chia làm hai giai đoạn: cứu chữa trước bệnh viện (cứu chữa tại hiện trường - chức năng nhiệm vụ của Đội CCNX) và cứu chữa tại bệnh viện (chức năng nhiệm vụ chung của các khoa/ban). Do đặc thù của tai nạn phóng xạ, việc tiếp nhận, phân loại, điều trị các nạn nhân có nhiều nét khác biệt so với những tai nạn thường gặp khác. Công tác tổ chức phân loại, cứu chữa nạn nhân cần kết hợp chặt chẽ với việc kiểm tra an toàn bức xạ, xác định nạn nhân có hay không bị nhiễm phóng xạ; xác định liều nhiễm xạ, từ đó có các biện pháp điều trị thích hợp từ đơn giản đến chuyên sâu, đặc biệt khi tai nạn phóng xạ có nhiều nạn nhân. Một điểm đáng lưu ý là công tác tư vấn cho các nạn nhân phóng xạ, người thân của họ hoặc những đối tượng có liên quan đến vụ tai nạn. Trong trường hợp này, Viện cũng đã sẵn sàng có sự phối hợp, đề nghị được trợ giúp từ các chuyên gia tâm lý y học, các cơ quan chức năng của Bộ Y tế, các nhà khoa học của VINATOM, VARANS. Cho đến nay, ngoài hoạt động nghiên cứu và ứng dụng điều trị chuyên ngành, Viện Y học phóng xạ và U bướu Quân đội luôn quan tâm tới công tác huấn luyện, đặc biệt là huấn luyện sâu về chuyên ngành phóng xạ. Trong tình huống xảy ra tai nạn phóng xạ ở một khu vực nhất định, dưới sự chỉ đạo của Cục quân y/Bộ Quốc pḥòng, Viện sẽ chuyển trạng thái hoạt động để ưu tiên tiếp nhận và phục vụ các nạn nhân phóng xạ.

Chăm sóc bệnh nhân tại lều hậu tống

2. TỔ CHỨC SẴN SÀNG ỨNG PHÓ Y TẾ TRONG CÁC SỰ CỐ PHÓNG XẠ - HẠT NHÂN:
Đội cấp cứu nhiễm xạ (CCNX) của Viện Y học phóng xạ và U bướu Quân đội là tổ chức kiêm nhiệm, chịu sự chỉ huy và chỉ đạo của Ban Giám đốc Viện; có chức năng tổ chức cứu chữa khẩn cấp cho nạn nhân trước bệnh viện trong các vụ tai nạn phóng xạ - hạt nhân. Tùy theo mức độ của vụ tai nạn, Đội tổ chức cơ động một phần hoặc toàn Đội tới hiện trường để thực hiện các nhiệm vụ cô lập khu vực tai nạn, phân loại và cấp cứu nạn nhân, kiểm tra liều nhiễm xạ ngoài trên cơ thể nạn nhân, tổ chức tẩy xạ và vận chuyển nạn nhân về tuyến sau. Hoạt động của Đội CCNX tuân theo quy trình nhất định và có tính chuyên môn cao. Với tổng số 24 thành viên, Đội CCNX được chia làm 4 tổ với các nhiệm vụ cụ thể. Trong hoạt động, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các thành viên, các tổ trong Đội, giữa Đội với các lực lượng cứu hộ cứu nạn khác có mặt tại hiện trường.

Đội cấp cứu nhiễm xạ trong một buổi diễn tập

Nguyên tắc trong cấp cứu và điều trị tại hiện trường là ưu tiên cứu chữa những trường hợp bị tổn thương nặng hoặc tổn thương có các dấu hiệu đe dọa tính mạng. Nạn nhân nhiễm xạ đơn thuần hoặc có các tổn thương khác kết hợp với nhiễm xạ, thậm chí là vết thương bị nhiễm xạ cũng có thể trì hoãn.
Căn cứ vào thực địa hiện trường xảy ra tai nạn để triển khai Đội CCNX. Đội có thể triển khai bằng cách tận dụng phòng/nhà ở của cơ sở xảy ra tai nạn; sân chơi, sân vận động, bãi trống nếu khoảng cách không quá xa khu vực tai nạ, và đặc biệt trong tình huống có nhiều nạn nhân. Tuy nhiên, phải bảo đảm nguyên tắc không để khu vực xảy ra tai nạn (khu vực có phông phóng xạ cao) và khu vực có nạn nhân nhiễm xạ (khu phân loại và tẩy xạ) ở đầu hướng gió đối với các khu vực triển khai khác. Giữa các khu xử lý, cần thiết lập hành lang chuyển nạn nhân theo quy định, không để nạn nhân bị nhiễm xạ có lối đi chung với nạn nhân không bị nhiễm xạ. Tổ kiểm xạ là lực lượng đầu tiên của toàn Đội tiếp cận với khu vực nguy hiểm, quan sát và lựa chọn địa điểm triển khai cho toàn Đội.
Việc phân loại nạn nhân tại hiện trường được tuân theo quy trình chặt chẽ, bảo đảm nguyên tắc tổ chức cấp cứu và giảm thiểu phát tán chất phóng xạ từ những nạn nhân bị ô nhiễm. Nạn nhân có chỉ định điều trị tối khẩn cấp cần được chuyển ngay về bệnh viện gần nhất sau khi đã thực hiện các biện pháp hồi sức chống sốc. Quy trình phân loại và xử lý nạn nhân luôn đi kèm với việc thống kê ghi chép ở từng tổ cũng như phải có phiếu đăng ký và xác nhận xử lý cho từng nạn nhân (thương - xạ phiếu). Thương - xạ phiếu được ghi chép từ khi nạn nhân được tiếp nhận tại Tổ phân loại hậu tống và luôn được chuyển kèm theo nạn nhân để ghi chép tóm tắt quá trình được xử lý của nạn nhân giúp lực lượng chuyên môn nắm được sơ bộ tình trạng tổn thương và nhiễm xạ cùng toàn bộ quá trình xử lý trên nạn nhân.
Ngoài các trang thiết bị y tế phục vụ nghiên cứu, điều trị chuyên ngành ung bướu (trang thiết bị labo chẩn đoán, nghiên cứu; thiết bị xạ trị ung thư, máy xạ trị gia tốc tuyến tính...), Viện Y học phóng xạ và U bướu Quân đội được trang bị một số máy móc và thiết bị chuyên ngành như máy chuẩn liều dược chất phóng xạ; máy đo độ tập trung iod phóng xạ tại tuyến giáp; máy phân tích phổ kế gamma; các loại đồng hồ phát hiện và đo liều bức xạ gb; liều kế cá nhân. Dự án Trung tâm y tế ứng phó với sự cố bức xạ, hạt nhân và điều trị nạn nhân chất độc da cam còn được bổ sung và trang bị thêm một số thiết bị chuyên ngành hiện đại, như hệ thống phân tích nhiễm sắc thể Metapher M. Search (có khả năng đánh giá tổn thương nhiễm sắc thể do ảnh hưởng của bức xạ ion hóa); hệ thống đánh giá gốc tự do trong máu; hệ thống phát hiện phóng xạ trong máu, nước tiểu và các cổng đo phát hiện nhiễm bẩn phóng xạ trên cơ thể. Đội CCNX cũng đã được đầu tư một số trang thiết bị cơ bản, như tăng - lều dã ngoại, lều tắm tẩy xạ, một số trang thiết bị cần thiết cho công tác phân loại, tẩy xạ và vận chuyển nạn nhân, kể cả các trang bị bảo hộ cho cán bộ, nhân viên chuyên trách.

Kiểm tra nhiễm xạ ngoài sau khi đã tẩy xạ

Tóm lại, sau gần hai mươi năm ra đời, Viện Y học phóng xạ và U bướu Quân đội đã có những bước phát triển nhất định. Bên cạnh quyết tâm hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ trọng tâm, Viện Y học phóng xạ và U bướu Quân đội luôn nêu cao nhiệm vụ sẵn sàng ứng phó khẩn cấp đối với các sự cố, tai nạn phóng xạ - hạt nhân. Tiếp tục từng bước hoàn thiện về tổ chức và quy trình cứu chữa nạn nhân các sự cố, tai nạn phóng xạ - hạt nhân, Viện đã có sự đầu tư nhất định trong xây dựng kế hoạch và huấn luyện sẵn sàng ứng phó y tế khẩn cấp đối với các vụ tai nạn phóng xạ - hạt nhân có thể xảy ra. Đặc biệt, khi dự án Trung tâm y tế ứng phó với sự cố bức xạ, hạt nhân và điều trị nạn nhân chất độc da cam được nghiệm thu và đi vào hoạt động, Viện Y học phóng xạ và U bướu Quân đội sẽ có nhiều cơ hội và điều kiện nâng cao hơn nữa năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ứng phó y tế đối với các sự cố, tai nạn phóng xạ - hạt nhân.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Học viện Quân y (2004), “Y học hạt nhân”, Giáo trình giảng dạy sau đại học, NXB Quân đội nhân dân, tr. 257-282.
2. International Atomic Energy Agency (IAEA-2005), “Generic procedures for medical response during a nuclear or radiological emergency”, IAEA in Austria, April 2005, pp. 34-85.
3. Makoto Akashi, Tsuyoshi Inokuchi, Albert Wiley, Kenzo Fujimoto (2009), “NCS/NIRS workshop on medical response to nuclear accidents in Asia ”, Organized in Chiba, Japan, 17-19 February 2009, Nuclear Safety Commission (NCS) and National Institute Radiological Sciences (NIRS) in cooperation with WHO Regional Office for South - East Asia.
4. Makoto Akashi, Istvorn Turai (2009), “Regional training course on response to medical emergency”, Organized in Doha, Qatar, 13-17 December 2009, by IAEA in cooperation with Qatar Ministry of Environment.
5. Makoto Akashi, Glenn Winters, Ronald E Goans, Nobuyuki Sugiura, Kenzo Fujimoto, Masahiro Fukumoto, Miroru Kubo, Yashiko Yoshimoto (2011), “NCS/NIRS workshop on medical response to nuclear accidents in Asia”, Organized in Chiba, Japan, 28 Feb.-2 March 2011, NCS and NIRS in cooperation with IAEA

1 nhận xét: